Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Chờ mãi một lời khen

(TGĐA) -Một sáng nọ tôi đến phòng họp, thấy tất cả chị em đang ồn ào. Chị Oanh vừa nhìn thấy tôi đã cười méo xệch chỉ lên tóc “Em nhìn tóc chị thấy có kinh không?”. Tôi ngắm kỹ mái tóc mới cắt của chị, một mái tóc tém không hề phù hợp với khuôn mặt đầy đặn quá mức. Tôi bảo “Họ cắt được đấy, mấy bữa nữa dài ra nó sẽ đẹp hơn nhiều”. Cả phòng ồ lên phản đối “Đừng có hỏi làm gì. Nàng ấy có chê ai bao giờ đâu”. Không chê bai bao giờ rõ là một tội lớn đối với người xung quanh và họ đổ riệt cho tôi tính khôn khéo, hoặc khôn ngoan thì cũng được. “Cô chỉ khôn ngoan không muốn mất lòng ai”, họ nói như thế.

Bỗng dưng tôi bị mắng vì cái tội không nói rõ ra sự thật, như nhiều lần khác. Giờ kể lại chuyện này thì tôi tự nhủ khi ấy mình không nói dối khổ chủ câu nào. Quả là mái tóc cắt rất được, nó chỉ không phù hợp với khuôn mặt chị mà thôi, và khi nào dài ra thì tình thế sẽ được cải thiện. Tôi chỉ lựa chọn những sự thật tốt đẹp mà nói thôi mà. Và sau câu bình luận ấy, chị Oanh tươi hẳn lên.

Tôi thì nghĩ đơn giản rằng, mái tóc của chị Oanh đằng nào cũng cắt rồi, tóc không lấy lại được nữa, xấu hay đẹp thì có chiếc gương thông báo cho chị ấy biết điều đó, không cần thêm một đồng nghiệp nào khẳng định lại. Và khi ấy tôi chợt nhớ, năm lớp 11 tôi cũng trót cắt mái tóc tém như thế, xấu điên người. Tôi đã buồn nẫu ruột cho đến khi một cậu bạn thân tiếp tục bồi thêm cho mấy câu chê bai đau lòng nữa. Tôi tức ứa nước mắt cả tối hôm ấy. Tôi mong biết bao cậu bạn yêu quý nói rằng “Ừ thì nó không hợp lắm, nhưng cũng là một sự thay đổi. Cả đời người cũng nên cắt tóc tém một lần cho biết. Và vài tuần nữa khi tóc dài ra thì cậu sẽ xinh lại như cũ”. Có nhất thiết không, khi cứ phải làm cho nhau đau lòng vì một câu bình luận vô thưởng vô phạt về những sợi tóc.

Không có những lời chê bai của bạn bè, đồng nghiệp thì khổ chủ cũng đã đủ khổ sở, dằn vặt lắm rồi, đáng lẽ phải nên an ủi nhau một câu tốt lành mới phải. Ấy chính là sự lịch thiệp và lòng nhân hậu của con người văn minh.

Từ lúc bắt đầu trở thành một người viết chuyên nghiệp, tôi càng thêm tính “ngậm hạt thị”, cấm có bao giờ chê bai đồng nghiệp. Điều này thành nguyên tắc nằm lòng. Văn mình, vợ người. Ai cũng biết vậy cả mà. Người viết, có bao giờ lại nghĩ là mình viết dở. Nếu biết những câu cú mình viết là dở thì họ đã không viết ra chừng ấy chữ. Nên không dưng đi chê văn bạn là rất dại. Có cô bạn đồng nghiệp của tôi ấm ức kể rằng hôm trước cô có chát online với một nhà văn đồng nghiệp khác. Tính cô vốn thẳng, cô bảo “Tiểu thuyết mới của anh dở lắm”. Anh kia im lặng không nói gì, 15 phút sau cô thấy chi chít những dòng bình luận hiện lên cửa sổ. Thì ra từ nãy giờ anh chịu khó ngồi copy lại những comment của vô số độc giả khen anh mà anh thu thập được rồi paste lại cho cô biết là thế nào, ý bảo cô chưa có trình độ thẩm văn. Tôi bảo cô dại lắm, ai lại đi chê văn người khác như thế, chẳng giải quyết vấn đề gì lại còn ôm oán, ôm thù, ôm bực vào mình. Cô hậm hực bảo “Nhưng em thấy dở thật thì em nói thế. Em có nói dối đâu”. Rồi cô nhìn tôi nghi ngờ “Thế chị thấy cuốn tiểu thuyết ấy thế nào? Tại sao lúc nào chị cũng không chê ai thế. Sao chị khôn thế? Chị làm thế để ai cũng yêu quý chị hử?”.

Tôi ư? Tôi sẽ im lặng và không bình luận trước những cuốn tiểu thuyết cực dở. Mình không phải nhà phê bình, mắc công đi phê bình làm gì chứ. Im lặng đã là một quan điểm rồi. Còn phàm thứ gì hay thật, tôi sẽ không tiếc lời khen. Những lời khen sẽ làm tất cả đều hạnh phúc.

Và tại sao bạn lại đừng nên chê bai người khác? Vì:

Bạn cứ hậm hực chê bai những người kém hơn mình, dốt hơn mình, xấu hơn mình. Nhưng bạn quên mất rằng lẽ ra bạn phải cảm ơn chính những người ấy. Không có những người lao động kém thì sao bạn lại có thể trở thành lao động giỏi. Nếu thế gian này toàn người đẹp đẽ thì ôi thôi, lúc ấy bạn lại trở thành người xấu mất rồi. Không chừng bạn bị người ta chê lại đấy. Khi bạn chê nhiệt tình một người khác sau lưng họ, những người xung quanh bạn không mấy khi để ý đến cái xấu của người bị chê đâu. Họ lại thường chỉ đặt ra một câu hỏi: Tại sao bạn lại chê (phê phán) người kia đến thế? Bạn ghét anh ta/cô ta ư? Có ghét thì mới chê chứ. Tại sao bạn ghét người ta? Ôi thôi, chắc là bạn đố kỵ rồi…Cuối cùng, có khi đang phải, bạn lại thành sai đấy, cho dù những “xấu xa” của kẻ kia là có thật. Khi bạn chê bai một ai đó, những người tử tế thường cảnh giác: Nó chê người khác như thế, chưa biết chừng mình vừa quay đi đã bị nó báng bổ rồi. Cuối cùng, những người cứ hùa theo bạn để “ném đá” hội đồng một anh hay một ả nào đó thường chỉ còn lại là kẻ không mấy tử tế. Liệu bạn có thích xung quanh mình chỉ “cùng hội cùng thuyền” với những người như vậy không? Bạn thanh minh rằng lời chê của bạn là mang tính xây dựng, không hiểu sao cứ bị người ta ghét. Không, tôi không tin như thế. Dụng ý tốt sẽ được đối phương nhận ra ngay. Thậm chí người ta còn cảm ơn bạn. Lời phê bình mang tính xây dựng thường khó nghe và khó tiếp nhận, nên sẽ phải đi đường vòng. Có khi vòng vo tam quốc chán chê mới đến được nơi cần đến, mới diễn đạt được ý cần nói để đối phương khỏi tổn thương. Thậm chí bạn còn phải có óc hài hước để lời phê bình của mình hóa thành một nụ cười khiến ai cũng hài lòng và ngay lập tức tiếp thu. Làm việc tốt bao giờ cũng khó mà. Còn nếu không thế, bạn chỉ đơn thuần là chê cho sướng cái miệng. Sẽ lập tức mua thù chuốc oán ngay. Chưa kể có những lời “mang tính xây dựng” vô ích, khi mà bạn cứ hoài công chê một người viết văn dở. Bạn nghĩ rằng chỉ cần bạn nói cho anh ta biết rằng anh ta viết cực dở thì ngày mai anh ta sẽ viết hay được chăng? Nhiều hận thù được dựng lên như thành lũy chỉ vì những lời chê bai không đúng chỗ. Nếu bạn nghĩ rằng anh ta/cô ta quả xấu tính thật và bạn chê bỉ bôi, bạn nói xấu sau lưng, phê sỗ trước mặt. Bạn nghĩ mình cần phải nói rõ cho chính anh chàng/cô nàng và mọi người biết điều đó. Thứ nhất, cái xấu không chỉ nhờ vài lời “chỉ rõ” như vậy mà thành tốt được. Thứ hai, càng những người xấu thật, họ càng có bề ôm bụng tiểu nhân để “hành” lại bạn. Bạn nói xấu được một câu, người ta có cơ nói xấu lại bạn 1000 lần. Nếu trót gặp kẻ xấu, tốt nhất là nên tự cách ly, tránh xa họ và giữ thái độ im lặng. Rồi những người khác sẽ tự nhận ra chân tướng họ, bạn không phải giúp đỡ ai nhận diện kẻ xấu cả. Những người hay chê bai người khác cũng thể hiện sự tự ti, yếm thế nên thường dùng việc chê người khác để tôn mình lên. Bạn nên nhớ rằng những người xung quanh luôn đủ thông minh để nhận ra điều đó. Hãy thử một lần xem, nếu có kẻ phê phán một cô nàng/anh chàng nào đó sau lưng họ, cho dù sự thật có đúng là như vậy, dù bạn có ghét bỏ người ta đến mấy, bạn hãy bênh vực người ấy bằng cách sử dụng những lời lẽ và chi tiết nhẹ đi, thế nào những người xung quanh cũng nhìn bạn bằng ánh mắt ngưỡng mộ, cho dù họ là kẻ thù của người vắng mặt kia đi chăng nữa. Sự nhân hậu và cao thượng của bạn sẽ tỏa sáng. Khi bạn cũng về hùa để “ném đá hội đồng” người ta, “cuộc vui” trong phút chốc rồi sẽ chóng tàn. Bạn có nhớ trong lịch sử, kẻ thù chỉ luôn trọng dụng người kiên trung của phía bại trận chứ mấy ai thiết một kẻ phản phúc. Vì ai cũng sợ bị đâm sau lưng lúc nào không biết. Từ lúc internet trở nên thịnh hành, các diễn đàn và trang mạng xã hội tấp nập, nhiều người càng có nơi để thỏa mãn cơn nghiện chê bai của mình. Chỉ cần chủ nhân một trang mạng viết vài dòng phê phán một ai đó, lập tức có hàng loạt kẻ vô danh mang một cái nick bất kỳ nhảy vào “thả đá cục” cho dù chẳng biết nhân vật bị kê đó là ai, đã làm gì và người đó có liên quan gì đến mình không. Cuối cùng, tôi chợt nhớ ra rằng những chính khách, doanh nhân, nhà khoa học, nghệ sĩ vĩ đại thường rất ít khi chê người khác. Tần suất chê bai của họ rất thấp. Mà họ tự trào thì nhiều hơn. Không phải ai có nhân cách cũng là một thiên tài, nhưng thiên tài chắc chắn bao gồm luôn nhân cách. Đức Đạt Lai Lạt Ma 14 nói rằng “Cẩn thận với thói quen của bạn, vì chúng sẽ thành nhân cách. Cẩn thận với nhân cách của bạn, vì nó sẽ quyết định số phận bạn”. Cứ chê bai nhiều rồi sẽ thành thói quen xấu. Mà lời nói thì có mất gì đâu. Một lời khen ngợi đúng lúc và một sự im lặng đúng chỗ sẽ tạo thành một mối quan hệ Win-Win (Đôi bên đều vui vẻ)

Là tôi đang nói về những lời chê bai vô thưởng vô phạt trong giao tiếp thường ngày, chứ không có ý nhắc đến việc đấu tranh chống lại cái xấu. Nếu bạn biết rằng những lời chê bai của mình chẳng mang lại lợi ích nào cho quốc gia và cộng đồng, không khiến ai tốt thêm, giàu thêm thì nói ra điều ấy để làm gì?

DiLi